dich vu sua nha dep

Đặc Sản Quê Hương Việt Nam

Khám phá nét đặc sắc của văn hóa ẩm thực Việt Nam

Đặc Sản Ba Miền

Các món ăn ngon nổi tiếng rất đặc trưng của các vùng miền trên quê hương

Âm Thực Và Sức Khỏe

Những công dụng bất ngờ từ các món ăn cho sức khỏe của bạn

Công thức nấu ăn ngon

Cách nấu ăn ngon thật ngon và hấp dẫn để cả nhà cùng thưởng thức

Khám Phá

Khám phá những nét văn hóa trên quê hương Việt Nam

Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

12 món ngon trứ danh đất Phan Thiết

Thưởng thức và cảm nhận hương vị đậm đà, dân dã của các món ăn độc đáo nơi đây là một trong những điều làm du khách thập phương cảm thấy thích thú.


1. Gỏi cá mai

12 món ngon trứ danh đất Phan Thiết

Gỏi cá mai là món nhậu yêu thích của đấng mày râu. Buổi chiều đi dọc các quán ở khu vực bờ kè ven sông Cà Ty hay Mũi Né, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những tấm biển ghi tên món ăn này.

Vị chát của chuối xanh, chua chua của khế, giòn tan của dưa chuột, vị cay của tỏi ớt và thơm mát của các loại rau… tất cả tạo nên một món ăn vô cùng hấp dẫn làm mê đắm những tâm hồn ăn uống.

Cá mai sau khi bóp chanh, tẩm ướp gia vị sẽ được trộn cùng răm, hành, húng, đậu phụ rang. Nước chấm cá mai tương đối cầu kỳ, trông sền sệt rất hấp dẫn và thơm mùi của me, chuối chín, tỏi và ớt. Khi ăn có thể cuốn bánh tráng cùng khế, chuối xanh, dưa leo, xà lách…

2. Gỏi ốc giác

Gỏi ốc giác là món ăn chơi rất được ưa thích ở Phan Thiết. Không chỉ mát và bổ, món ăn này còn hấp dẫn thực khách bởi vị ngọt đậm rất riêng của ốc. Món gỏi là sự kết hợp của đu đủ, đậu phộng, rau rẩm, hành tây, khi ăn thường kèm với bánh tráng, phồng tôm và chấm cùng mắm chua ngọt.

Gỏi được bán tại khu Sở Y Tế ngay gần Ga Phan Thiết vào buổi chiều tối. Đến đây, bạn còn được thưởng thức một số loại ốc khác cũng hấp dẫn không kém.

3. Dông đất nướng

12 món ngon trứ danh đất Phan Thiết

Dông là một trong những món đặc sản của Phan Thiết. Chúng là loài động vật sống trong hang và thường ra những đồi cát trải dài vào sáng tinh mơ để ăn chồi non, uống nước sương đêm, nên thịt rất thơm, mềm ngọt.

Ở Phan Thiết, nổi tiếng nhất là các quán Dông trên đường Nguyễn Đình Chiểu.

Có nhiều món ngon chế biến từ dông như chả, gỏi, nấu cháo, xào sả ớt, nấu dưa hồng… nhưng dông nướng lại lôi cuốn được nhiều du khách nhất bởi hương vị thơm ngon đặc biệt hơn cả.

4. Bánh hỏi

12 món ngon trứ danh đất Phan Thiết

Món ăn chỉ bao gồm bánh hỏi, lòng heo, bánh tráng mỏng, rau sống và nước chấm, nhưng khó nơi nào có thể sánh được. Bánh hỏi ở đây có phần khá rời rạc, cọng nhỏ nhắn, mịn màng, dai và thoạt nhìn có vẻ giống bún hơn. Đĩa lòng phải có đủ tim, gan, cật, phèo non và nhất định không thể thiếu thịt ba chỉ. Nước chấm làm từ nước cốt me pha chung tỏi ớt xay nhuyễn, đường và một chút muối tạo nên vị chua ngọt thơm dịu.

Du khách có thể thưởng thức món ẩm thực này ngay trong thành phố biển trên đường Trần Phú buổi sáng. Hoặc đúng hương vị quê gốc của món này, thì hỏi đường đến Phú Long, cách Phan Thiết khoảng 6 km về phía Bắc. Giá: 20.000 đồng/xuất ăn.

5. Bánh căn

12 món ngon trứ danh đất Phan Thiết

Đây là món ngon vỉa hè ở thành phố biển, thường thấy trên đường Ngư Ông, Hải Thượng, Thủ Khoa Huân hay dọc chợ Phan Thiết. Những chiếc bánh căn được nung chín bằng khuôn đất, bên trong là nhân đủ vị như thịt, trứng, mực, tôm...

Giá một đĩa bánh căn từ 25 - 30.000đồng, bạn có thể ăn chơi hoặc ăn thay cơm mà không thấy chán.

Nước chấm là điểm nhấn cho món ăn với màu đỏ tươi hấp dẫn, được pha sánh và có vị chua ngọt hơi cay rất ngon miệng. Bánh căn được ăn chung với các loại rau sống như xà lách, rau cải, húng quế, diếp cá và xoài xanh xắt sợi nhỏ.

6. Bánh xèo

12 món ngon trứ danh đất Phan Thiết

Bánh xèo Phan Thiết khác hơn so với bánh xèo các nơi ở chỗ, bên trong có đủ tôm, mực, mỡ, thịt heo ba chỉ... mà toàn là đồ tươi luôn sẵn có của miền biển. Bạn có thể ăn ở bất kỳ tiệm nào trên con đường Tuyên Quang, Bình Hưng, Phan Thiết.

Bánh xèo Phan Thiết thường được ăn bằng cách thả chiếc bánh vừa vớt ra còn nóng vào bát nước chấm cho ngập bánh, ăn cùng rau húng, dấp cá, quế thơm…

7. Răng mực

12 món ngon trứ danh đất Phan Thiết

Nhiều du khách đến đây thấy tò mò về món ăn chơi rất được lòng các cô cậu học trò, hỏi ra mới biết đó là những chiếc răng mực.

Răng mực rửa sạch, ướp gia vị, tùy theo yêu cầu của thực khách mà chủ quán có thể nướng, chiên hay xào. Cảm giác sần sật, dai thơm rất vui miệng khi nhai răng mực. Bạn có thể tìm ăn ở gần ga Phan Thiết, trên đường Nguyễn Tất Thành…

Tối mát trời, dừng chân bên một quán cóc ven đường, ngồi nhâm nhi những chiếc răng mực nướng với bạn bè, thêm ly trà đá mát lạnh thì không gì tuyệt bằng.

8. Bánh tráng cuốn dẻo


Tuy thành phần khá đơn giản là bánh tráng dẻo, mắm ruốc, tóp mỡ và trứng cút cuộn lại nhưng bánh tráng cuốn dẻo là món ăn vặt không thể bỏ lỡ khi du lịch Phan Thiết. Món này thường được bán cùng với các quán bánh tráng mắm ruốc nướng ở lề đường vào buổi chiều muộn ở ngã tư Trần Hưng Đạo, Thủ Khoa Huân, ngã ba Tam Biên…

9. Bánh tráng chấm mắm ruốc

12 món ngon trứ danh đất Phan Thiết

Có thể nói, bánh tráng chấm mắm ruốc là món ăn đặc sản và truyền thống của Phan Thiết, gắn liền với tuổi thơ của hầu hết người dân nơi đây. Bánh tráng chấm nắm ruốc kết thân với người dân từ bữa sáng đến những chiều cần có gì lót dạ.

Mắm múc ra, vắt thêm chanh, ớt xay rồi đánh đều là bí quyết làm cho món ăn trở nên hấp dẫn. Nếu từng một lần ăn thử món này, có thể bạn sẽ bị phải lòng vị thơm lừng đặc trưng của mắm ruốc, giòn giòn, bùi bùi của bánh tráng nướng với cái dai của bánh tráng cuốn, hòa chung vị mát lành của rau và chua nhẹ của xoài. Nhiều khách du lịch lưu luyến món ăn này thường ra chợ Phan Thiết tìm mua mắm ruốc để mang chút vị Phan Thiết về nhà.

Bánh tráng cuốn chung với rau răm, dưa leo, xoài chua, trứng cút dầm nát, bánh tráng nướng bẻ vụn và cuốn tròn lại ấy vậy mà hương vị thì đậm đà khó quên.

10. Bánh quai vạc tôm thịt

Có dịp đến thành phố Phan Thiết, du khách hãy thưởng thức bánh quai vạc, chắc sẽ không bao giờ quên được hương vị riêng biệt của món ăn và vị ngọt của tôm biển tươi rói. Pha nước chấm hơi đặc với nguyên liệu chủ yếu là nước mắm, đường cát, ớt xiêm cắt lát mỏng, nêm nếm cho hợp khẩu vị.

Gắp bánh bày lên đĩa, kèm vài lát chanh bên cạnh chén hành củ, tóp mỡ phi vàng. Khi ăn cho bánh vào chén, rắc hành phi mỡ với nước chấm, tí chanh và nâng chén. Nhai từ từ sẽ tận hưởng cái vị ngòn ngọt, dai dai, béo béo, cay cay, mà ngon khó lòng quên được.

11. Mì Quảng vịt

Với người Phan Thiết, thay bằng ăn kèm thịt heo, thịt vịt mềm với hương vị cay cay, ngọt béo sẽ làm món mì Quảng càng thơm ngon, hấp

dẫn hơn. Một tô mì Quảng vịt nóng hổi, thơm nồng với vị béo vừa phải của vịt cỏ cùng với vị cay của ớt, bùi của đậu phộng, hủ tíu và hương thơm của rau ăn kèm sẽ làm hài lòng dạ dày của bạn..
12 món ngon trứ danh đất Phan Thiết
Một bát Mì Quảng vịt với giá từ 15.000 – 40.000/tô, bạn có thể tìm đến những quán gia truyền trên đường Trần Phú, gần trường Tuyên Quang, Phan Bội Châu... Ảnh: Nguyên Vũ

Hầu hết du khách khi du lịch Phan Thiết đều thử qua bánh canh, món ăn đơn giản nhưng lại có sức hút rất đặc biệt. Bánh canh ở đây có hai loại là bánh canh chả cá và bánh canh chả hấp được chế biến rất ngon, khi ăn có thể kèm theo bánh mì để chấm với nước bánh canh. Bạn có thể ăn món này tại một số quán trên đường Trần Hưng Đạo, Hải Thượng Lãn Ông, Kim Đồng… vào buổi chiều tối.

Ngoài những món ăn kể trên, thành phố Phan Thiết còn thiết đãi du khách nhiều món ăn ngon miệng khác như: cơm gà đường Lê Hồng Phong; lẩu cá đường Phan Đình Phùng; chả lụi đường Trần Hưng Đạo; bánh bèo, bánh bò ở gần ga Phan Thiết, phở khuya Lạc Hà…

Bánh ít... tình nhiều

Bánh ít là một loại bánh dân gian, rất mộc mạc dân dã, đã có mặt rất sớm trong kho tàng ẩm thực làng quê Việt Nam, cũng là loại bánh đặc sản của các địa phương vùng nông thôn, khá quen thuộc và gây ấn tượng trong lòng mọi người, sản phẩm mang hương vị béo thơm, ngon, ngọt đượm đầy tinh tế.
Trong đời sống ẩm thực của người dân nông thôn, bánh ít trông thật “đời thường”, dung dị nhưng cũng rất tinh tế và hài hòa.

Không biết tự bao đời ở xứ tôi nhà nào cũng gắn liền tập quán cũng như  phong tục của địa phương với nghệ thuật ẩm thực của vùng thôn quê bằng nhiều loại bánh cổ truyền như bánh chưng bánh tét, bánh tro, bánh cục, bánh ú, bánh ít …
Mỗi khi chuẩn bị chế biến, những loại bánh này đều được các phụ nữ nông thôn “chăm chút” từ tấm lá sợi lạt cho đến từng khâu nguyên liệu… như muốn thổi vào đó cái hồn của đất, cái tình của con người và đã trở thành nét đẹp văn hoá đặc trưng giản dị.

Bánh ít... tình nhiều
Bánh ít đang để nguội
Bánh ít còn hàm chứa cả giá trị tinh thần bởi nó mang tính phổ biến và tồn tại tất yếu trong đời sống dân gian từ rất lâu đời. Và còn là một loại quà quê để bày tỏ tình cảm của những người nông dân với nhau. Bởi con người nơi đây tuy thực thà chân quê nhưng ai cũng chan hòa tình làng nghĩa xóm, lại sẵn bản chất chịu thương, chịu khó, cần cù trong lao động và đặc biệt là chất keo kết dính giữa người thân cùng các thành viên trong mỗi gia đình.

Theo chiều dài lịch sử, với nền văn hoá văn minh lúa nước, bộ mặt ở những vùng đất nông thôn bây giờ cũng tiến bộ hơn trước. Những  người dân quê khi lên thành phố cũng bớt bị “mặc cảm” đè nặng bởi cái từ “hai lúa”, thói quen và nhu cầu sinh hoạt của họ cũng thay đổi rất nhiều làm cho nét đẹp thôn dã luôn thích nghi với xã hội hiện đại và phù hợp với hoàn cảnh sống của vùng nông thôn.

Người phụ nữ nông thôn ngày nay cũng đã biết cách chế biến nhiều món ăn và các loại bánh ngon, lạ, đặc biệt vào mỗi dịp lễ, tết, Rằm Trung thu tháng Tám. Nhưng vào những ngày húy kỵ, giỗ chạp, … người dân quê Việt Nam vẫn giữ nguyên và không thể thiếu các loại bánh cổ truyền, nhất là món bánh ít. Tất cả các loại bánh ít đều được làm thủ công và gói bằng lá chuối xanh.

Làm bánh ít không khó, nhưng đòi hỏi phải tỉ mỉ. Cách làm bánh ít thoạt xem đơn giản, nhưng mất khá nhiều thời gian cùng sự tham gia của nhiều người và cũng khá cầu kỳ bởi cả khâu làm bột lẫn cả khâu làm nhân. Sẵn có chuối xứ trong vườn, hễ nhà chuẩn bị có “việc” là trước đó một ngày mẹ giao cho chị em tôi khâu rọc lá, trụng qua nước sôi hay phơi nắng sau đó dùng khăn lau thật sạch. Để làm được chiếc bánh ít, người ta phải trải qua nhiều công đoạn khéo léo.
Đầu tiên mẹ dùng gạo nếp thơm vuốt cho sạch với nước giếng trong. Ngâm khoảng 3,4 tiếng, vớt gạo ra rá để cho ráo nước, rồi dùng cối đá xay gạo nếp thành bột mịn, sau đó cho vào chiếc túi vải dằn hơi nặng cho bột nhỏ nước, để được một khối bột dẻo, rồi đổ ra thau cho tí muối và tí đường vào nhồi đều. Nhân thì tùy theo sở thích mà có thể dùng đậu xanh, dừa, thịt, hay tôm… Đậu xanh đãi vỏ hấp chín giã nhuyễn trộn chung với đường hoặc muối (tùy khẩu vị) rồi viên lại thành những viên tròn đều nhau. Dừa nạo sợi nhỏ rồi thêm đường để làm nhân cho bánh ít dừa. Thịt hay tôm xắt nhỏ xào chung với hành phi nêm gia vị mặn cho vừa ăn làm bánh ít trần, cứ mỗi thứ một ít nên mới được gọi là “bánh ít”.  
Bánh ít... tình nhiều
 Bánh ít nhân dừa với đường
Khi xong phần nhân, mẹ mới bắt đầu nhào bột, nhào cho đến khi bột hết dính tay… ngắt từng miếng bột vừa phải, nắm tròn vừa lòng bàn tay, đập dẹp ra và bỏ nhân vào giữa sau đó vo tròn trong lòng bàn tay. Dùng lá chuối xứ đã quét qua một lớp mỏng dầu đậu phộng  để gói bánh, bột nếp khi nấu chín rất dẻo nhờ có lớp dầu đó mà bánh  không bị dính vào lá. Bánh gói xong xếp bánh vào rổ rá thưa cho vào xoong to hấp cách thuỷ, bánh được hấp chín, khi bóc ra, mùi thơm của lá chuối, mùi bột nếp xen lẫn mùi nhân của lắm thứ thơm ngào ngạt... sờ tay vào chiếc bánh nóng mềm “nún nín” chỉ muốn bóc liền ăn ngay.

Có nơi, người ta hấp bánh trần, khi bánh chín sau đó mới gói để giữ màu xanh của lá chuối. Ngoài bánh ít bột nếp màu trắng, thỉnh thoảng mẹ lại làm bánh ít lá gai màu đen nhân đậu xanh. Cũng có loại làm bằng bột khoai mì, bột củ dong... Bánh ít để càng nguội, ăn càng ngon. Cắn một miếng bánh, độ mềm mại, dẻo dai của bánh cộng với nhân bánh thấm tháp, vị ngon cứ đọng nơi đầu lưỡi... Cả nhà tôi ai cũng “nghiện” cái món bánh quê mùa, nhưng ngon đậm đà khó quên này... Có lẽ vì vậy mà mẹ và nội cứ làm món bánh này cho cả nhà thưởng thức thường xuyên.

Bánh ít là loại bánh ngon không thể thiếu được trong ngày giỗ, ngày chạp, cúng ngày Rằm, nên người ta thường hay làm trước để cúng ông bà, cha mẹ. Bánh cúng xong được dọn lên mâm cỗ làm món tráng miệng và gởi biếu người thân về làm quà cho những người cao tuổi và cháu bé trong gia đình họ. Đây cũng là nét riêng trong văn hoá ẩm thực và văn hoá ứng xử sản vật "đối nội, đối ngoại", làm quà biếu người thân, bạn bè nơi phương xa mang theo, như để thể hiện tấm lòng thơm thảo quý mến của gia chủ… “Bánh ít... nhưng tình nhiều”.

Chào tuần mới với món ngon từ nấm

Nấm là nguyên liệu chủ yếu được dùng trong các món chay. Nấm đa dạng và phong phú từ cách trồng, thu lượm tới mùi vị và màu sắc.
Cơm niêu
Nguyên liệu:
- Gạo: 1 lon
- Cà rốt: 2 củ
- Bắp vàng: 1 trái
- Nấm hương: 4 tai
- Muối, tiêu, đường, hạt nêm chay, đầu hành băm, dầu ăn; cà chua, dưa leo ăn kèm.
Chào tuần mới với món ngon từ nấm
Cơm niêu
Thực hiện:
- Cà rốt rửa sạch, gọt vỏ, cắt sợi dài. Bắp vàng tách lấy hạt. Nấm hương ngâm nở, rửa sạch, cắt chân nấm, cắt miếng vừa ăn. Tàu hũ ky rửa sạch, thái chỉ, xào sơ.
- Gạo vo sạch, cho vào niêu cùng với bắp vàng và một ít nước vừa đủ để khi chín cơm không bị nhão.
- Khi cơm sôi, giảm nhỏ lửa, cho nấm vào nấu chín. Trước khi tắt bếp, cho tàu hũ ky, cà rốt vào đậy nắp, dọn ra mâm. Dùng nóng với rau củ,
- Mách nhỏ: Niêu đất mua về, bỏ vào thau ngâm nước lạnh ít nhất 1 giờ rồi rửa cho sạch. Có thể chọn loại gạo tám thơm để nấu, cơm sẽ dậy mùi thơm hơn.
Miến đốt thố
Nguyên liệu:
- Miến: 100g
- Nước dùng rau củ: 200ml
- Rau cải: 50g
- Hành boa-rô: 30g
- 50g cà rốt cắt sợi, 50g nấm mèo cắt sợi
- 50g đậu hũ thiên cắt sợi, 1 củ gừng, 5g ớt khô, muối, tiêu, đường, hạt nêm chay, dầu ăn; ớt sừng trang trí.
Chào tuần mới với món ngon từ nấm
Món miến đốt thố
Thực hiện:
- Miến ngâm với nước lạnh khoảng 30 phút, vớt ra để ráo, dùng kéo sắc cắt thành từng khúc dài 15cm. Cải rửa sạch, lấy phần cọng.  Boa-rô rửa sạch, tỉa lát mỏng.Gừng rửa sạch, gọt vỏ, thái lát.
- Làm nóng dầu ăn, cho boa-rô, hành tây, nấm mèo, cà rốt, gừng vào xào vàng. Tiếp đó cho rau cải vào xào mềm, cho miến vào xào nhỏ lửa, nêm nước dùng, thêm gia vị vừa ăn. Xào đến khi thấy sợi miến kho lại cho thêm ớt khô vào đảo đều là được.
- Cho miến vào thố, khi ăn đốt nóng, trang trí với ớt sừng.
- Mách nhỏ: Trước khi chuẩn bị miến nên nấu nước dùng rau củ trước. Nước dùng này có thể nấu trước một hai ngày, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
Nấm né
Nguyên liệu:
- Nấm đùi gà: 100g
- Nấm kim châm: 100g
- Nấm hương: 100g
- 100g nấm rơm, 2 cây sả, 1 trái ớt sừng, nước mắm, hạt nêm chay, muối, hành lá, hạt nêm chay, muối, hành lá, ngò rí, bột nghệ, mè trắng, dầu ăn; bánh tráng, bún và rau sống ăn kèm; nước mắm chua ngọt.
Chào tuần mới với món ngon từ nấm
Nấm né
Thực hiện:
- Các loại nấm cắt bỏ chân, rửa sạch, cắt bỏ chân, rủa sạch, thái lát vừa ăn. Sả tước bỏ cọng cứng, rửa sạch, thái nhỏ sau đó băm nhuyễn. Ớt sừng lạng bỏ hạt, cắt sợi dài. Đầu hành đập dập, hành lá, ngò rí thái nhỏ.
- Làm nóng dầu ăn, phi thơm đầu hành, cho sả và hành lá vào đảo đều, xào từ 4-5 phút, tiếp đến cho các loại nấm vào xào cùng, đảo nhanh tay trên lửa lớn, nêm nước mắm, hạt nêm, muối vừa ăn.
- Xào nấm từ 7-8 phút, nêm lại tùy theo khẩu vị, cho thêm ớt sừng, bột nghệ tạo màu, tắt bếp. Rắc rau mùi, mè trắng lên trên. Dùng kèm với bánh tráng, bún, rau sống và nước mắm chua ngọt.
- Mách nhỏ: Nấm kim châm rất nhanh chín nên khi nấu lẩu hay dùng với các món có nước hoặc xào nên cho nấm vào sau cùng. Nấm hương nên cho vào khi đã nấu được ½ thời gian.
Chúc các bạn thực hiện thành công những món ăn hấp dẫn từ nấm này nhé!
Theo Món ngon Việt Nam

Thứ Tư, 10 tháng 9, 2014

Ốc còi mà "không còi" ở Khe Khoai

Món ốc còi còn có ở nhiều nơi khác, nhưng ốc còi ở thôn Khe Khoai là ngon nhất, hương vị đặc trưng nhất.
Thôn Khe Khoai (thuộc xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ) là nơi người dân chủ yếu làm nghề nông nghiệp, trồng rừng. Khi đến thăm nơi này, các bạn có thể bắt gặp các ngọn núi cao, những địa danh đã đi vào lịch sử như đền Miếu Bà, di tích thành Nhà Mạc v.v.. Không những thế, bạn còn sẽ rất thú vị khi được nếm món đặc sản ốc còi nơi đây.
Ốc còi có hình giống cái còi, sống chủ yếu trong hang đá ở nơi “thâm sơn cùng cốc”. Vì thế, chỉ những người sống ở vùng núi và thạo nghề, thì mới bắt được ốc còi. Mùa ốc còi bắt đầu từ tháng ba, khi có sấm động mưa rào, cho đến hết tháng tám âm lịch.
Ốc còi còn một tên gọi khác là ốc thuốc, vì theo kinh nghiệm dân gian, loại ốc này thường ăn lá rừng, rêu đá, lá thuốc thảo dược trong rừng nên vị thơm bổ.
Ốc còi mà "không còi" ở Khe Khoai
Để món ốc còi giữ được hương vị tự nhiên, hương của núi rừng, người dân ở thôn Khe Khoai thường cho ốc đã rửa sạch cùng với lá bưởi, lá sả, củ sả vào chõ và đồ chín, hoặc cho vào túi được đan bằng tre, trên trải tấm lá chuối, lá rong rồi hấp chín.
Ốc còi đem chấm với muối trắng có trộn hạt mắc khẻn thì ăn rất ngon. Ngoài ra còn cách chế biến khác cũng không kém phần hấp dẫn là cho ốc vào nồi cùng với củ sả đã thái lát, một ít lá gừng và một thìa mẻ đã lọc lấy một bát con nước đậy kín đun sôi chừng nửa giờ, cảm thấy hương thơm toả ra ngào ngạt là được.
Nước chấm đi kèm không thể thiếu là nước mắm ớt tỏi, gừng thái nhỏ nêm vài giọt nước cốt chanh… Khi ăn, ta khều ốc bằng gai của cây gai, đừng quên nếm lấy thứ nước thơm dịu của ốc luộc nhé! Hãy từ từ cảm nhận sẽ thấy hương vị của nó quả là…” tuyệt cú mèo”…
Món ốc còi có thể có ở nhiều nơi, nhưng bạn hãy tin tôi, ốc còi ở thôn  Khe Khoai là ngon nhất, hương vị đặc trưng nhất.
 (Dân Việt)

Đậm đà bắp chuối trộn tai heo xứ Quảng

Món ăn dân giã, nhưng đậm đà tình quê đối với tôi là món bắp chuối trộn tai heo. Để làm được món ăn này, nguyên liệu hầu như có sẵn trong mỗi gia đình. Vào những bữa cơm trưa hay bữa tối dưới ánh trăng vành vạch, thì món chuối trộn vẫn là món ăn ngon và đậm đà nhất, dù ăn hoài vẫn không thấy ngán.
Quê tôi có nhánh sông Thu Bồn chảy qua quanh năm mát mẻ, cây cối tươi tốt, con người hiền hòa dễ chịu. Không lãng mạn như vùng sông nước Cà Mau, hay bạt ngàn như những khu miệt vườn Đông Nam Bộ, quê tôi có nét độc đáo riêng của một miền quê xứ Quảng, từ tập tục, lễ hội, cho đến ẩm thực…

Thả hồn mình trên những chiếc ghe chạy dọc ven sông, những ngôi nhà lấp ló sau rặng tre, rặng dừa đẹp như một bức tranh sơn thủy hữu tình. Vườn trái cây chỉ là những chùm ổi nhỏ, những trái dừa cao vút, quả mít chín thơm lừng… Nhưng điều làm tôi “khuấy” nhất, đó là vườn chuối mọc ven sông của mỗi gia đình.
Đậm đà bắp chuối trộn tai heo xứ Quảng
Nguyên liệu hoa chuối, tai heo

Mùa bông chuối đỏ chót như màu son của thiếu nữ, những búp chuối mới ra, làm người qua đường có cảm giác thèm thuồng, với những món khoái khẩu tưởng tượng trong đầu, từ bắp chuối đỏ, hay quả chuối chát múp míp nằm ngạo nghễ trên cây.
Món ăn dân giã, nhưng đậm đà tình quê, đối với tôi đó là món bắp chuối trộn tai heo. Để làm được món ăn này, nguyên liệu hầu như có sẵn trong mỗi gia đình. Vào những bữa cơm trưa hay bữa tối dưới ánh trăng vành vạch, thì món chuối trộn vẫn là món ăn ngon và đậm đà nhất, dù ăn hoài vẫn không thấy ngán.

Nguyên liệu làm món bắp chuối trộn tai heo thật đơn giản. Chỉ cần một bắp chuối trong vườn, to chắc, tươi nguyên. Tai heo mua ngoài chợ, kèm theo gia vị chanh, tỏi, ớt, tiêu rau thơm, giá, cà rốt bào sợi, húng quế…Là có thể tạo ra món bắp chuối trộn mê hồn.

Bắp chuối hái vào lúc sáng sớm là ngon nhất, bởi lúc này bắp chuối còn ngậm hơi sương, chưa bị cái nắng héo hắt của buổi trưa chiếu vào. Sau khi hái bắp chuối vào, rửa sạch và thái mỏng. Ngâm bắp chuối đã thái vào một chậu nước, vắt nửa trái chanh tươi để bắp chuối sạch mủ, bớt màu thâm tím. Nhìn thấy cọng chuối xanh non, cuộn tròn thì cảm giác thèm thuồng xuất hiện ngay đầu lưỡi. Tai heo sau khi mua về, đem rửa sạch với nước muối, luộc chín, thái mỏng. Đậu phụng rang chín, bỏ vỏ. Rau thơm rửa sạch, cắt nhỏ.
Sau khi chuẩn bị xong phần nguyên liệu. Bước tiếp theo là trộn. Cho bắp chuối vào một cái thau lớn, cho cà rốt, giá đỗ, đường, hạt nêm, nước mắm, nước cốt chanh pha tỏi, ớt, cho rau thơm vào trộn đều. Cuối cùng là rắc đều đậu phộng rang vào thau bắp chuối trộn. Món ăn này đơn giản, dễ làm, lại ít tốn thời gian nên người dân Quảng rất thích. Đó là món ăn phổ biến trong mỗi bữa cơm gia đình, nó còn là món ăn để đãi khách mỗi khi đến nhà.
Đậm đà bắp chuối trộn tai heo xứ Quảng
 Món hoa chuối trộn

Ngoài món bắp chuối trộn, thì món bắp chuối hầm giò heo cũng là món ăn phổ biến của quê tôi. Và món chuối hầm giò heo được xem là món ăn mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng, còn là món ăn mang lại nhiều điều… may mắn, bài trừ những tai họa theo quan niệm tâm linh của người dân quê tôi. Gia đình nào có người đi xa, hoặ con em thi đại học, thì món bắp chuối hầm giò heo là món không thể thiếu trong thực đơn bữa cơm gia đình. Đó như một nét đẹp văn hóa ẩm thực tồn tại từ lâu đời.

Giữa đêm trăng sáng, hay giữa trưa hè oi ả, ngồi quây quần bên mâm cơm gia đình cùng món bắp chuối trộn tai heo dân giã, bữa cơm gia đình như sợi dây gắn kết tình cảm thiêng liêng của những thành viên trong gia đình. Khoanh chuối cuộn tròn, vị ngọt, béo, cay nồng của ớt trái, thơm ngon của đĩa bắp chuối trộn thể hiện sự khéo tay của những người đàn bà quê.

Cứ mỗi chiều, bên đĩa bắp chuối trộn với ly rượu nhỏ dành cho những người đàn ông ngồi nhâm nhi kể việc đồng áng, đó như thể hiện một sự khéo léo, đức tính dịu dàng, chiều chồng của người phụ nữ thôn quê. Và đó cũng là một trong những bí quyết giữ hạnh phúc gia đình, mà những người mẹ, người vợ truyền tai cho nhau.

Cây chuối mộc mạc là vậy, nó gần gũi với đời sống con người, sắc xanh của những bụi chuối như tô thêm nét đẹp bình yên của một vùng quê. Và những món ăn ngon từ chuối như là một chất xúc tác để tạo nên những tiếng cười, sự hạnh phúc trong gia đình. Cần chi những tiệm phở, những món ăn đắt tiền ngoài kia. Bởi hương vị quê nhà từ món canh thiên lý, hoa bí, bông cà…Thì món bắp chuối trộn cũng nằm trong những danh sách thức ăn ngon, là “cây nhà lá vườn” đầy cái nghĩa cái tình của người sông nước xứ Quảng.
Và mỗi lần ai đó xa quê, nhớ quê thì ngoài món cà dầm tương, với cô tát nước bên đường, thì món bắp chuối trộn tai heo như một nỗi nhớ không gọi thành tên để thúc giục người xa quê mau trở về với quê nhà, để làm một đĩa bắp chuối trộn ăn cho thỏa lòng mong nhớ.
(Dân Việt)